Những bạn từng đi nước ngoài nhiều và khá tiếng Anh thì sẽ không mất nhiều thời gian chuẩn bị, cũng không phải lo lắng nhiều. Tuy nhiên, với những bạn chưa có kinh nghiệm cho hành trình quốc tế lại thêm tiếng Anh chưa tốt thì dễ bị mất tự tin, rất lo lắng, nhất là khi đó bạn không có người quen hay người thân bên cạnh. Bài viết này phần nào sẽ cung cấp thông tin cơ bản để bạn tham khảo và chuẩn bị hành trang trước ngày lên đường đến Canada.
1. Hành lý mang theo gì?
– Vali: nên mua vali có ổ khoá TSA approved có độ an toàn cao. Vali nhẹ nhưng chất lượng tốt và nên có 4 bánh xe xoay chiều (loại spinner).
– Quần áo, giày dép: Nếu điều kiện cho phép thì bạn nên mua đồ tại Canada và chỉ mang một ít quần áo cho những ngày đầu mới đặt chân đến. Bạn có thể dự phòng nhiều vớ vì món đồ này sẽ rất cần cho mùa đông và giá vớ ở Việt Nam vừa phải. Không đem giày da đóng tại Việt Nam vì sẽ bị co giãn ở Canada.
Đồ lạnh ở Việt Nam có thể ko đủ ấm. Mặc nhiều lớp quần áo sẽ giúp chống lạnh. Bạn cần có lớp base layers, áo lạnh, vớ, khăn choàng, nón, găng tay.
– Đồ ăn, trái cây: không nên mang đồ ăn có nguồn gốc từ thịt heo, thịt bò,… Trái cây thì không phải lo vì các siêu thị có đầy đủ các loại riêng mùa đông thì giá trái cây hơi cao hơn so với mùa hè.
– Tiền mặt: bạn nên đổi ra CAD (hoặc USD) và nhớ tính toán kỹ về tỷ gia ngoại tệ. Nếu bạn đem từ 10,000 CAD trở lên thì phải khai báo khi nhập cảnh. Thông thường thì khoảng 120 CAD tiền mặt là đủ để bạn chi tiêu lặt vặt trong suốt hành trình.
2. Ngày bay
– Giấy tờ quan trọng phải dùng đến: Hộ chiếu (đã được dán visa), thư nhập học của trường (LOA – Letter of Acceptane), vé máy bay
Copy hoặc scan vào USB tất cả giấy tờ (in màu hộ chiếu, visa,thư nhập học, thẻ tín dụng) thành hai bản (một bản photo thẻ tín dụng không để vào hành lý mà để cho ng thân nhất giữ để phòng khi bị mất thì người thân sẽ giúp khóa tài khoản). Bản chính và tiền mặt nên luôn mang theo bên mình.
– Check in: từ giây phút vào khu check in là mọi việc đều nằm trong tay của bạn và bạn phải tự xoay sở mọi thứ. Mỗi sân bay sẽ có màn hình thông tin (Information) cho biết chuyến bay nào đi cổng nào, mấy giờ. Bạn cứ theo bảng hướng dẫn mà đi. Nếu bạn không biết thì bạn cứ hỏi nhân viên ở sân bay. Bạn cũng cần lắng nghe loa phát thanh vì có thể sẽ có những thông báo liên quan đến chuyến bay của bạn. Bạn cần nắm rõ quy định về hành lý được phép mang lên máy bay trong hành lý xách tay để thực hiện cho đúng quy định (Hành lý xách tay tuyệt đối ko có vật nhọn kể cả swiss knife hay đồ cắt móng tay, không mang dung dịch lỏng trên 100ml mỗi loại như shampoo, bodywash,…).
Khi qua máy phải bỏ hết đồ vào khay, điện thoại, laptop và các thiết bị điện tử cần lấy ra khỏi hành lý xách tay và bỏ vào khay. Hộ chiếu và vé máy bay thì bạn vẫn cầm trên tay.
Lưu ý: Mạnh dạn nói không nếu có người nhờ bạn giữ hộ. Yêu cầu họ hỏi nhân viên sân bay giữ dùm. Nếu họ bỏ đó và đi thì gọi nhân viên sân bay coi chừng và đi chỗ khác ngay. Luôn để ý trông chừng hành lý của bạn và không để ai đụng vào.
– Transit tại các sân bay: Thường ở sân bay quốc tế, các biển chỉ dẫn rất rõ ràng. Nếu không rõ thì bạn cứ tự tin hỏi nhân viên ở sân bay (những người mặc đồng phục). Tiếng Anh chưa đủ rành rọt, bạn không phải lo. Bạn có thể dùng ngôn ngữ hình thể (body language), hoặc viết ra giấy, hoặc tra cứu Google vì sân bay quốc tế đa số đều có wifi miễn phí. Khi chuyển chuyến bay sẽ qua kiểm tra an ninh lần nữa trước khi tới cổng, do đó bạn không mang nước vào dù là mua ở sân bay.
3. Khai Declaration card trước khi nhập cảnh
– Declaration Card: Tiếp viên hàng không sẽ đưa tờ khai Declaration Card cho bạn tại chỗ ngồi trước khi máy bay đáp. Vì là chuyến bay transit nên bạn chỉ khai khi đến chặng bay cuối cùng.
– Cách khai: tờ khai khá đơn giản nên bạn hãy bình tĩnh điền vào mẫu. Ngày tháng trên tờ khai sẽ theo trình tự năm/ tháng/ ngày (khác với cách ghi của Việt Nam là ngày/ tháng/ năm). Home Address (C) sẽ điền thông tin địa chỉ ở Canada, là nơi mà bạn sẽ đến ở (không điền địa chỉ nhà của bạn ở Việt Nam). Giữ lại tờ khai sau khi điền xong.
4. Hạ cánh
– Bạn nên đi theo mọi người khi rời khỏi máy bay. Đoạn đường từ chỗ máy bay đến khu làm thủ tục nhập cảnh khá xa, bạn nên đi thật nhanh. Tại khu làm thủ tục nhập cảnh có hai khu vực. Khu vực có máy tính để mọi người tự làm là dành cho người Canada. Bạn sẽ xếp hàng ở dãy có người tiếp nhận để xem hộ chiếu. Bạn cần trình hộ chiếu, thư nhập học tại đây. Nhân viên tại đây sẽ hỏi hành lý của bạn có những gì, bạn nhớ trả lời Nothing from animal. Sau đó, bạn hỏi khu vực làm Study Permit ở đâu (không đi theo mọi người ra ngoài lấy hành lý). Sau khi hoàn tất thủ tục và nhận được Study Permit, bạn mới ra nhận hành lý. Trước khi qua cưa để lấy hành lý thì bạn phải nộp lại tờ khai Declaration Card cho người nhân viên tại cửa ra.
– Hành lý: xem biển báo có ghi số chuyến bay của bạn để đến đúng băng chuyền nhận hành lý là vali. Trường hợp bạn đóng đồ vào thùng carton thì sẽ phải nhận ở nơi khác. Bạn hỏi nhân viên của hãng hàng không và hỏi hành lý quá khổ quá tải ở đâu và họ sẽ chỉ chỗ cho bạn đến lấy.
Photo: JESHOOTS