Chống Gian lận Di trú Canada – 20 TIPS CẦN BIẾT ĐỂ PHÒNG NGỪA

20 TIPS CẦN CHÚ Ý ĐỂ PHÒNG NGỪA GIAN DỐI, LỪA ĐẢO TRONG DI TRÚ CANADA

  • Xin ghi chú rằng CICC hiện không có thẩm quyền điều chỉnh các nhà tư vấn di trú/ nhập cư không giấy phép nhưng sẽ chia sẻ khiếu nại/ thông tin với Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) và Hải Quan Biên giới Canada (CBSA).
  • Nhận thức được rằng gian lận trong di trú có thể nghiêm trọng, Chính phủ Canada đã tạo một trang web với thông tin liên quan và liên kết đến các cơ quan về các báo cáo gian lận hoặc lạm dụng luật di trú. Khi có lệnh của chính phủ Canada, CICC – Đoàn Chuyên Gia Tư vấn Di Trú và Quốc tịch Canada, sẽ có thẩm quyền nộp đơn xin lệnh chống lại người hoạt động tư vấn di trú trái phép và sẽ hợp tác trực tiếp với các chính phủ nước ngoài.

CHỨC DANH & BẰNG CẤP

Tip #1

Tư vấn Di trú không được cấp phép có thể sử dụng các chức danh khác nhau nhằm mục đích cho người xem có thể nhầm lẫn. Chức danh “notario” không liên quan gì đến người notaire du Québec, một luật sư hoặc một Chuyên Gia tư vấn Di trú Canada (RCIC). Những cá nhân tự gọi mình là “notario” không được phép đưa ra lời tư vấn về di trú.

Tại Canada, người Tư vấn Di Trú hợp pháp có thể cung cấp cho bạn các tư vấn về di trú Canada một cách hợp pháp có thu phí bằng tiền, hoặc các hình thức khác, bao gồm các đối tượng sau: người RCIC, luật sư đã đăng ký tại một trong 13 Hiệp hội Luật của Canada, hoặc công chứng viên đã đăng ký với Chambre des notaires du Québec. Xem thêm chi tiết trên website chính phủ Canada.

Tip #2
Một người có bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo di trú chưa phải là Tư vấn Di trú Hợp pháp. Họ phải được đăng ký với ICCRC để có thể cung cấp dịch vụ tư vấn di trú Canada có thu phí.

Một người đã hoàn tất một chương trình đào tạo di trú không có nghĩa là họ đã được phép hành nghề. Tư vấn Di trú Hợp pháp phải được đăng ký với CICC. Vui lòng kiểm tra sổ đăng ký công khai của Hội đồng và tìm kiếm theo họ hoặc tên, tên công ty, vị trí địa lý hoặc số Nhận dạng Tư vấn (RCIC #). Nhấp vào link “Liên hệ” để biết thêm thông tin.

CHỮ KÝ VÀ MẪU BIỂU

Tip #3

Hãy cẩn thận nếu bạn không được yêu cầu ký một Hợp Đồng Di Trú.

Hợp Đồng Di Trú còn được gọi là “hợp đồng dịch vụ” hoặc “hợp đồng”. Đây là một tài liệu được chuẩn bị bởi một Tư vấn Di trú Hợp pháp nói rằng họ đang cung cấp dịch vụ nhập cư cho bạn để đổi lấy một khoản phí. Tư vấn Di trú phải cung cấp cho bạn một thỏa thuận / hợp đồng trước khi bắt đầu bất kỳ một dịch vụ nào. Bạn và người Tư vấn Di trú đều phải ký và ghi ngày vào thỏa thuận / hợp đồng. Đảm bảo rằng bạn có một bản sao cho mình.

Tip #4

Hãy lưu ý nếu bạn được yêu cầu ký một Hợp Đồng Tư vấn với một công ty, một đại lý hoặc một người nào khác thay vì người Tư vấn Di trú Hợp pháp.

Hai người ký kết Hợp đồng Tư vấn phải là bạn và Tư vấn Di trú Hợp pháp. Điều này có nghĩa là tên pháp lý đầy đủ của người Tư vấn Di Trú phải được ghi trên Hợp đồng, cùng với số giấy phép của họ (ví dụ: Tư vấn Di Trú Hợp pháp RCIC có số giấy phép gồm số ID thành viên CICC của họ bắt đầu bằng chữ ‘R’ theo sau là sáu số – R123456). Người Tư vấn Di trú ký Hợp đồng với bạn phải là người tiến hành các dịch vụ tư vấn di trú/nhập cư cho bạn.

Tip #5

Hãy cẩn thận nếu bạn không được yêu cầu ký vào mẫu Ủy Quyền Đại Diện Tư Vấn (IMM5476) hoặc nếu người mà bạn thuê tư vấn di trú cho mình ký tên vào biểu mẫu này với tư cách là bạn bè hoặc thành viên gia đình của bạn mà thực tế là không phải.

Sử dụng Biểu mẫu Ủy Quyền Đại Diện Tư Vấn (IMM5476) là một biểu mẫu do chính phủ ban hành để xác nhận rằng người Tư vấn Di trú đã chọn được ủy quyền đại diện chính thức cho trường hợp di trú của bạn. Biểu mẫu này có một số phần bao gồm họ và tên của bạn, ngày sinh của bạn, v.v. Nó cũng bao gồm họ và tên của Tư vấn Di trú của bạn, số ID Thành viên CICC của họ, địa chỉ đầy đủ của họ, v.v. Bạn và Tư vấn Di trú phải cả hai ký tên và ghi ngày vào mẫu đơn này. Bất kỳ yêu cầu nào thực hiện bởi Tư vấn Di trú của bạn phải nộp kèm bản sao mẫu IMM5476 đã ký để chứng nhận sự đại diện được ủy quyền của bạn.

IMM5476 phải ký là bắt buộc ngay cả khi Nhà tư vấn là bạn bè hoặc thành viên gia đình của bạn, hoặc nếu họ là nhà tư vấn không tính phí.

Tip #6

Không ký vào các biểu mẫu trống hoặc biểu mẫu có chứa thông tin sai lệch.

Không bao giờ ký vào một biểu mẫu trống. Bạn nên kiểm tra và xác minh tất cả các thông tin là đầy đủ và chính xác trên bất kỳ biểu mẫu nào trước khi bạn ký tên. Ngay cả khi người khác điền vào biểu mẫu của bạn, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về thông tin trên đó.

Tip #7

Hãy cảnh giác nếu người bạn thuê làm Tư vấn Di trú không cung cấp cho bạn bản sao của các mẫu đơn mà bạn đã ký.

Bạn phải luôn được cung cấp một bản sao của bất kỳ biểu mẫu nào bạn ký cho phần lưu trữ của mình.

DỊCH VỤ & THANH TOÁN

Tip #8

Hãy thận trọng nếu bạn được yêu cầu thanh toán bằng TIỀN MẶT.

Các khoản thanh toán bằng tiền mặt thường không thể theo dõi được vì không có tài liệu nào chứng minh rằng bạn đã thanh toán. Các phương thức thanh toán khác có thể theo dõi được (séc, thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng) và có thể được chứng minh bằng cách xem bảng sao kê ngân hàng.

Tip #9

Đảm bảo rằng bạn nhận được hóa đơn và biên lai cho tất cả các khoản thanh toán.

Các khoản phí bạn phải trả được nêu trong Hợp đồng Tư vấn đã ký của bạn. Bạn sẽ được cấp một hóa đơn nêu rõ các khoản phí đó trước khi thanh toán, sau đó được cấp một biên lai cho biết khoản thanh toán của bạn.

Tip #10

Hãy cẩn thận nếu bạn bị tính phí cho các dịch vụ khác, trong khi dịch vụ tư vấn di trú được công bố là miễn phí.

Nếu Tư vấn Di trú của bạn chuẩn bị một Hợp đồng Tư vấn chi tiết thì trong đó cần nêu rõ số tiền phải trả cho các dịch vụ được cung cấp cho bạn. Nếu dịch vụ di trú là miễn phí, Hợp đồng Tư vấn phải nêu rõ rằng tổng phí dịch vụ là $ 0.00.

Nếu bạn bị tính phí cho các dịch vụ khác ngoài di trú (xin visa) (ví dụ: vị trí việc làm), thì vị trí việc làm phải là một thỏa thuận hoặc hợp đồng hoàn toàn riêng biệt. Chuyên Gia Tư vấn Di Trú Canada (RCIC) chỉ được cấp phép cung cấp các dịch vụ di trú/nhập cư. Nếu RCIC đang cung cấp cho bạn một dịch vụ giới thiệu việc làm theo một thỏa thuận hoặc hợp đồng riêng biệt, thì bạn nên kiểm tra để đảm bảo rằng họ là nhà tuyển dụng đủ điều kiện và được chứng nhận, người được cấp phép cung cấp các dịch vụ này (và tính phí cho bạn) ở tỉnh / lãnh thổ nơi công việc đang được cung cấp ở Canada.

Tip #11

Hãy cẩn thận nếu một đại lý du lịch, một đại lý giáo dục hoặc một nhà tuyển dụng lao động cung cấp cho bạn dịch vụ di trú/nhập cư.

Các đại lý du lịch và giáo dục và nhà tuyển dụng lao động có thể cung cấp dịch vụ nhập cư hoặc tư vấn như một phần của gói dịch vụ rộng hơn. Mặc dù có thể họ được phép cung cấp các dịch vụ tư vấn di trú liên quan đến du lịch, học tập hoặc làm việc, nhưng điều quan trọng là bạn phải xác nhận tình trạng của họ là RISIA (chuyên gia tư vấn du học) hoặc RCIC trước khi sử dụng chúng cho các dịch vụ di trú/ nhập cư.

CẢNH GIÁC VỚI SỰ BẢO ĐẢM

Tip #12

Hãy cẩn thận nếu bạn được đảm bảo về thời gian xử lý đơn xin nhập cư.

Không có thời hạn xử lý tuyệt đối cho bất kỳ loại đơn xin nhập cư nào. Bạn có thể được thông báo về một khoảng thời gian dự tính/ước tính (ví dụ: 8-12 tuần), nhưng không có văn phòng visa/ thị thực (thuộc Lãnh Sự Quán) nào hoặc nhân viên thị thực nào sẽ có thể bảo đảm việc này cho bạn. Điều này là do tính phức tạp và sự chậm trễ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình xử lý visa/ thị thực, bao gồm kiểm tra lý lịch, kiểm tra y tế, cấp lại đơn đăng ký, v.v.

Tip #13

Hãy cảnh giác nếu bạn được đảm bảo một công việc và việc di trú/nhập cư cùng một lúc. Ví dụ: “Với 10.000 đô la, chúng tôi sẽ tìm cho bạn một công việc và lấy giấy tờ nhập cư cho bạn.”

Trong khi nhập cư và tìm việc ở Canada thường gắn liền với nhau, hai việc này có thể yêu cầu các đại diện khác nhau. Ngoài Tư vấn Di trú của bạn, bạn có thể cần phải làm việc với một nhà tuyển dụng được cấp phép.

Không ai phải tính phí tìm việc cho bạn: kể cả chủ doanh nghiệp, kể cả nhà tuyển dụng, kể cả Tư vấn Di trú.

Chủ Doanh Nghiệp tương lai của bạn có thể cần phải nộp đơn đăng ký Đánh giá Tác động Thị trường Lao động (LMIA). Trong trường hợp này, sau khi được chấp thuận, LMIA sẽ được Tư vấn Di trú đệ trình cùng với đơn xin giấy phép lao động của bạn cho chính phủ Canada. Một số công dân nước ngoài cũng có thể được miễn yêu cầu LMIA hoặc Giấy phép lao động tùy thuộc vào quy định cụ thể.

Tip #14

Không ai có thể đảm bảo việc chấp thuận visa.

Kết quả của đơn xin di trú/ nhập cư của bạn không thể được đảm bảo. Quyết định cho bất kỳ đơn xin nhập cư nào là tùy thuộc vào viên chức xét visa/ thị thực. Bạn sẽ không biết kết quả của đơn của mình cho đến khi bạn nhận được quyết định bằng văn bản từ viên chức xét visa/thị thực.

LIÊN HỆ

Tip #15

Hãy cẩn thận nếu người mà bạn đang cân nhắc làm Tư vấn Di trú đề cập rằng họ quen biết một người nào đó trong Bộ Di trú có thể giúp đơn xin nhập cư của bạn.

Nhân viên thị thực xử lý đơn của bạn sẽ đưa ra quyết định độc lập của riêng họ dựa trên chất lượng của hồ sơ của bạn (sự thuyết phục của lý do xin di trú cùng với bằng chứng và tài liệu hỗ trợ). Không ai có thể tác động đến kết quả của bất kỳ đơn xin di trú nào.

NÊN KIỂM TRA

Tip #16

Luôn kiểm tra để đảm bảo Chuyên Gia Tư vấn Di trú của bạn ở trạng thái “chất lượng” trên sổ đăng ký công khai trực tuyến của CICC.

Trước khi bắt đầu quy trình đăng ký với Chuyên Gia Tư vấn Di trú, bạn nên kiểm tra xem họ có trạng thái “hoạt động/chất lượng” trên sổ đăng ký công khai trực tuyến của CICC hay không. Điều này có nghĩa là họ đang ở trong tình trạng “chất lượng” và có thể cung cấp cho bạn tư vấn về di trú có thu phí.

Nếu Chuyên Gia Tư vấn Di trú của bạn có trạng thái “Bị thu hồi” hoặc “Bị đình chỉ”, thì họ hiện không được ủy quyền đại diện cho trường hợp xin di trú của bạn.

Tip #17

Hãy cảnh giác nếu bạn thấy biểu tượng của CICC trên trang web nhập cư thay vì Huy hiệu thành viên RCIC và không có liên kết đến trang web của CICC để xác định rõ người Chuyên Gia Tư vấn Di trú đó có đăng ký với CICC hay không.

Chỉ nhân viên CICC mới có thể sử dụng Biểu trưng CICC. Các Chuyên Gia Tư vấn Di trú (RCIC) không được sử dụng Biểu trưng của Ủy ban ICCRC. Các chuyên gia RCIC có một Phù hiệu Thành viên đặc biệt riêng để nhận diện (hình bên trên). Xem thêm Hướng dẫn sử dụng các Biểu trưng do CICC phát hành.

Tip #18

Đảm bảo rằng Tư vấn Di trú của bạn có bảo hiểm Lỗi và Thiếu sót.

Tất cả các Chuyên Gia Tư vấn Di trú Hợp pháp đều yêu cầu bảo hiểm Lỗi và Thiếu sót (E&O).

Tip #19

Hãy cẩn thận nếu người mà bạn đang cân nhắc thuê làm Tư vấn Di trú thể hiện sự thiếu hiểu biết rõ ràng khi bạn hỏi các câu hỏi cụ thể về di trú/nhập cư hoặc Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của CICC.

Các Tư vấn Di trú Hợp pháp tham gia vào nghề nghiệp của họ với mức độ kiến thức tiêu chuẩn nhất định về di trú/nhập cư, và các kiến thức này sẽ tăng lên theo thời gian hành nghề của họ. Nếu họ không đủ điều kiện để đại diện cho bạn cho dịch vụ nhập cư mà bạn cần, họ phải công nhận nó theo Quy tắc Đạo đức Nghề nghiệp. Các tư vấn di trú không hợp pháp có nhiều khả năng có kiến thức di trú/ nhập cư hạn chế, và không bị ràng buộc bởi quy tắc ứng xử chuẩn mực.

ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

Tip #20

Hãy cẩn thận nếu bạn được khuyến khích nói dối trong đơn xin di trú/ nhập cư của mình.

Nếu bạn nói dối trong đơn xin nhập cư của mình, bạn đang vi phạm lỗi khai báo gian dối. Hình phạt cho việc này là cấm nộp bất kỳ loại đơn di trú nào đến Canada trong thời hạn năm (5) năm. Việc này cũng sẽ là một phần trong hồ sơ di trú gốc của bạn, và có thể ảnh hưởng đến khả năng nộp đơn xin di trú bất kỳ nào vào Canada (trong tương lai).

./.

Nguồn: CICC

Dịch sang tiếng Việt: RCIC Andrew Tuan-Anh Duong (2021-03-01)

Xem thêm:

Chính phủ Canada IRCC kêu gọi chống gian lận di trú: tiếng Anh, tiếng Việt

Image by Gerd Altmann from Pixabay
Image-by-Jondolar-Schnurr-from-Pixabay
Image-by-Alain-Audet-from-Pixabay
Image-by-David-Mark-from-Pixabay
Image-by-Jörg-Vieli-from-Pixabay
Image-by-James-Wheeler-from-Pixabay
Image-by-clo-mc-from-Pixabay
Image by Free-Photos from Pixabay
Image by Schäferle from Pixabay
Image by Dennis Larsen from Pixabay
Image by Felix Dilly from Pixabay