CÂU CHUYỆN TÒA ÁN – MONG MUỐN HY SINH NGHỀ NGHIỆP HIỆN CÓ CHO TƯƠNG LAI GIA ĐÌNH TẠI CANADA ĐƯỢC TÔN TRỌNG

TÒA ÁN LIÊN BANG CANADA

luôn hướng đến tính công bằng của Luật và Hệ thống Tư pháp

TÓM LƯỢC
Ngày 20/6/2022, Tòa Án Liên Bang Canada ra phán quyết chấp thuận đơn xin cứu xét của chị DTN (quốc tịch Việt Nam) kiện Bộ Di trú Canada đã từ chối đơn xin visa định cư (PR) cho chị và gia đình (1 chồng 2 con) theo diện Lựa Chọn Tỉnh bang. Hồ sơ xin visa PR của chị DTN và gia đình được trả lại Bộ Di Trú để xem xét lần nữa, bởi một nhân viên thị thực mới.
Chị DTN xin được một việc làm tại bang NovaScotia và được tỉnh bang này cho quy chế định cư vào năm 2018 (provincial nomination). Theo luật di trú Canada, thì chị DTN cần phải nộp đơn lên Liên bang (tức Bộ Di trú) để xin visa mới có thể hoàn thành quá trình xin định cư, và gia đình sau đó mới có thể nhập cảnh. Không may hồ sơ cuối cùng của chị lại bị từ chối bởi IRCC sau một quá trình xét duyệt kéo dài và chặt chẽ (có phỏng vấn vào tháng 10/2020).

Nhân viên thị thực từ chối hồ sơ của chị DTN với nhiều lý do, bao gồm lý do chính là “đương đơn đã cung cấp không đủ bằng chứng để thuyết phục là ý định định cư tại bang NovaScotia là thật”.
Tòa Liên Bang sau khi xem xét toàn bộ vấn đề, đã nhận thấy các nhân viên thị thực tham gia vào quá trình xét duyệt đã chưa thực hiện đúng/ hết/ đủ các quy định của luật khi (1) không tin vào ý định định cư tại bang NovaScotia của đương đơn với lý do chưa rõ, và (2) chưa cho đương đơn cơ hội phản biện và tự bảo vệ một cách thích đáng.
 
 
NHẬN ĐỊNH TỪ CHUYÊN GIA DI TRÚ CANADA
  1. Tòa Án Liên bang Canada đã thể hiện một thái độ nghiêm túc và sáng suốt cao khi chỉ ra được các thiếu sót của nhân viên công vụ khi xét visa. Nếu nhân viên công vụ có thiếu sót, hồ sơ phải được xem xét lại bởi một nhân viên (nhóm nhân viên) khác.
  2. Các chi tiết Tòa đưa ra có lợi ích trong việc hướng dẫn và cấp thông tin hữu ích cho cả 2 phía, nhân viên IRCC và đương đơn, để họ có thể làm đúng, ít nhất là vào các lần sau (nếu có). Điều này cho thấy tính công bằng của luật và hệ thống tư pháp.
  3. Phán quyết của Tòa Liên bang không đảo ngược kết quả xin visa (từ không cấp/ từ chối sang cấp/ chấp thuận hay ngược lại), mà chỉ xét các lỗi của nhân viên công vụ có thể có để yêu cầu sửa chữa, nên kết quả tích cực ở cấp độ này chưa đảm bảo một sự chấp thuận visa cuối cùng mà phải chờ xem xét lại ở IRCC.
  4. Mặc dù vậy, bản án của Tòa đã thể hiện nhiều điểm sáng cho các bên (như đã nêu ở trên) và chị DTN có được cơ hội tiếp tục hy vọng. Ắt hẳn chị DTN đã có nhiều bài học quý từ bản án và sẽ có thể chuẩn bị tốt hơn cho hồ sơ lần sau của mình.
  5. Quyền giải trình công bằng (procedural fairness – *tạm dịch) là một quyền cơ bản của người xin thị thực nhập cảnh Canada, áp dụng cho tất cả ứng viên (dù không là người Canada), và nhân viên công vụ phải tôn trọng quyền này trước khi muốn từ chối một hồ sơ.
Dịch & thảo luận: Andrew Duong, BSc, RCIC (7-2023)

Nguồn: Federal Court Canada

DISCLAIMER – KHUYẾN NGHỊ

Nội dung được chia sẻ của bài viết mang ý nghĩa cung cấp thông tin tích cực và hữu ích đến đại chúng có nhu cầu di trú để tham khảo, và không phải là tư vấn di trú chính thức. Do vậy, dù nội dung có thể thiếu/ sai sót nhưng do chúng không mang tính đảm bảo cho bất kỳ kết quả áp dụng nào, chúng tôi miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan.

Nội dung được trích dẫn từ thông tin chính thức trên website của Tòa Án Liên Bang Canada, công khai cho mọi người truy cập. Nhận định của cá nhân người viết mang tính xây dựng, tích cực, không hướng đến cá nhân nhân vật liên quan, với mong muốn cải thiện nền di trú Canada lành mạnh văn minh.