CÂU CHUYỆN TÒA ÁN – LỖI MISREP & MỨC ĐỘ NGHIÊM TÚC/ NGHIÊM TRỌNG CỦA NÓ TRONG DI TRÚ

LỖI MISREP TRONG DI TRÚ CANADA

có tính nghiêm trọng/ nghiêm túc cao

TÓM LƯỢC
  • Anh SS, người Ấn Độ, tốt nghiệp tại Canada và đang làm việc bằng visa PGWP (giải thích PGWP).
  • Tháng 6/2019, SS bị kiểm tra giao thông ngẫu nhiên, không may vì lý do gì đó lại bị phạm lỗi “chống đối nhân viên công vụ”, kết cục bị bắt (arrested);
  • Sau đó, cảnh sát xác nhận hành vi của SS không đáng bị phạt, nên đã không giam giữ SS và cũng không truy cứu thêm;
  • Tháng 9/2019, SS muốn về quê thăm nhà và sẽ quay lại Canada nên nộp đơn xin visa (diện du khách, dựa vào giấy phép lao động PGWP hiện có);
  • Hồ sơ xin visa lần này được thực hiện bởi một Tư vấn (không nêu rõ hợp pháp hay không), và không khai chi tiết “đã từng bị bắt (arrested)”. Hồ sơ này được chấp thuận bởi Bộ Di trú, tạo điều kiện cho SS về quê và quay lại Canada sau đó.
  • Tháng 12/2019 khi SS quay lại Canada, tại cửa khẩu nhập cảnh thì Hải quan (CBSA) phát hiện chi tiết SS đã từng bị bắt, và chi tiết này đã không khai vào hồ sơ xin visa gần nhất. Hải Quan chiếu theo Luật, đã nhận định SS gian dối trong hồ sơ visa (lỗi Misrep), quyết định hủy visa và đưa SS ra Tòa Di trú, đề nghị yêu cầu SS rời Canada.
  • Tòa Di trú nhận định “lỗi của SS là mặc dù đã có cơ hội kiểm tra & khắc phục lỗi hồ sơ, vốn được khai bởi Tư vấn, nhưng không làm tốt trách nhiệm kiểm tra đó, và chấp thuận đề xuất của CBSA. Anh SS đệ đơn xin cứu xét lên Tòa Liên Bang, là bậc tối cao cuối cùng xem xét các sự vụ di trú.
  • Sau khi xem xét kỹ, Tòa Liên bang bác đơn khiếu nại của SS, chấp thuận quyết định của Tòa Di trú (và của CBSA yêu cầu trục xuất) vì các lý do chính là: (1) Với các bằng chứng, đã cho thấy đương sự nghĩ/hiểu rằng việc cảnh sát hủy hình phạt là đã xóa án tích nên không khai chi tiết “từng bị bắt (arrested)” chứ không phải không biết việc khai sai của Tư vấn, (2) nguyên tắc “vô ý vi phạm được thông cảm (innocent misrep exception)” thường áp dụng cho các trường hợp vi phạm lỗi một cách vô ý (không biết khi phạm lỗi, gian dối vô ý, tình ngay lý gian…) KHÔNG được áp dụng cho anh SS vì lý do nêu trong (1) ở trên.
NHẬN ĐỊNH TỪ CHUYÊN GIA DI TRÚ CANADA
  1.  Anh SS thật không may bị vi phạm lỗi Misrep ở một tình huống không đáng có (Misrepresentation: tạm dịch thông tin không trung thực, gian dối thông tin…). Không may ở đây là có Tư vấn nhưng Tư vấn không tốt dẫn đến hậu quả nặng nề cho cá nhân đương đơn.
  2. Việc bị kiểm tra giao thông là bình thường ở Canada (randomly check), tức khi bị kiểm tra không có nghĩa là vi phạm luật giao thông, và khi không vi phạm gì sẽ không bị phạt hay ảnh hưởng gì khác về tài chính cũng như uy tín tư pháp. Không may cho SS ở đây là đã vi phạm lỗi “chống đối”, và dẫn đến bị bắt. Có lẽ là do hiểu lầm, khác biệt văn hóa hành xử và/hoặc khả năng giao tiếp không tốt… đã dẫn đến việc đáng tiếc đó.
  3. Anh SS cũng đã không hiểu rõ về luật Canada ở nhiều khía cạnh dẫn đến việc “không khai chi tiết đã từng bị bắt” trong hồ sơ xin visa sau đó. Ví dụ: khi bị bắt mà sau đó được tha, không có nghĩa là việc “bị bắt” đó đã được hủy và không tồn tại. Nói cách khác, dù việc “bị bắt” trước đây không dẫn đến các hậu quả gì khác (không bị phạt), nhưng khi được hỏi lúc làm hồ sơ xin visa, thì vẫn phải khai là có.
  4. Việc đáng tiếc nhất cho SS, rõ ràng là đã không hiểu rõ khi làm hồ sơ xin visa Canada cần khai thông tin chính xác, trung thực và đầy đủ. Không rõ việc “không khai/ khai không chính xác” này là vô tình hay cố ý, do lỗi của SS hay của Tư vấn, nhưng rõ ràng đã bị xếp vào lỗi Misrep (không trung thực) và hậu quả thì quá nặng nề (bị trục xuất). Toàn bộ hậu quả đó lại do một mình anh SS phải gánh chịu.
  5. Cho thấy, vấn đề misrep trong di trú Canada là rất nghiêm trọng và được các cơ quan hành pháp lẫn tư pháp Canada xem xét nghiêm túc. Nhu cầu hiểu biết về luật pháp khi xin visa vào Canada là bắt buộc cho tất cả mọi ứng viên, và do đó việc sở hữu TƯ VẤN DI TRÚ CHUẨN MỰC là việc cần thiết khi Bạn muốn có tư vấn hỗ trợ làm hồ sơ xin visa Canada.
Dịch & thảo luận: Andrew Duong, BSc, RCIC (12-2023)

Nguồn: Federal Court Canada

DISCLAIMER – KHUYẾN NGHỊ

Nội dung được chia sẻ của bài viết mang ý nghĩa cung cấp thông tin tích cực và hữu ích đến đại chúng có nhu cầu di trú để tham khảo, và không phải là tư vấn di trú chính thức. Do vậy, dù nội dung có thể thiếu/ sai sót nhưng do chúng không mang tính đảm bảo cho bất kỳ kết quả áp dụng nào, chúng tôi miễn trừ mọi trách nhiệm liên quan.

Nội dung được trích dẫn từ thông tin chính thức trên website của Tòa Án Liên Bang Canada, công khai cho mọi người truy cập. Nhận định của cá nhân người viết mang tính xây dựng, tích cực, không hướng đến cá nhân nhân vật liên quan, với mong muốn cải thiện nền di trú Canada lành mạnh văn minh.